Cử tri tỉnh Bắc Kạn và Vĩnh Long đề nghị quy định giảm số năm tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm, thậm chí 10 năm để được hưởng lương hưu, mức lương hưu tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng khi rút thời gian đóng còn 10-15 năm thì mức hưởng sẽ giảm đi, dẫn đến lương hưu rất thấp.
Ngày 21/2/2024, báo Tiền Phong đã đăng tải thông tin với tiêu đề: “Đóng bảo hiểm xã hội 10 năm được hưởng lương hưu, lợi hay hại?”. Nội dung cụ thể như sau:
Cử tri tỉnh Bắc Kạn và Vĩnh Long đề nghị quy định giảm số năm tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm, thậm chí 10 năm để được hưởng lương hưu, mức lương hưu tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng khi rút thời gian đóng còn 10-15 năm thì mức hưởng sẽ giảm đi, dẫn đến lương hưu rất thấp.
Đóng BHXH 20 năm như hiện tại là quá lâu
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa trả lời kiến nghị của cử tri các tỉnh Bắc Kạn và Vĩnh Long về đề xuất giảm năm đóng bảo hiểm Xã hội (BHXH) để hưởng lương hưu .
Theo cử tri các địa phương này, hiện thời gian tham gia BHXH tự nguyện 20 năm như hiện tại là quá lâu, dẫn đến việc người dân không có khả năng đóng phí.
Các cử tri kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH cần nghiên cứu, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật BHXH, giảm thời gian tham gia đóng BHXH tự nguyện. Cử tri hai tỉnh cũng đề nghị quy định giảm số năm tối thiểu đóng BHXH xuống 15 năm, thậm chí 10 năm để được hưởng lương hưu, mức lương hưu tương ứng với thời gian đóng BHXH.
Trả lời vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH cho biết Nghị quyết số 28 của Trung ương về cải cách chính sách BHXH đã nêu rõ, sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm.
Mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay, Dự thảo luật BHXH được Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 6, khóa XV đã đề xuất giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu, để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.
Theo đó, trường hợp người lao động khi đến tuổi hưu mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng, do quỹ BHXH chi trả, cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của người lao động.
Cùng với đó, trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng sẽ được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Sẽ trình Quốc hội vào tháng 6 năm nay
PGS.TS Đinh Dũng Sỹ – nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ – cho rằng, việc dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm là một trong những chính sách đặc biệt quan trọng và có giá trị trong lần sửa đổi này. Điều này tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu.
Tuy nhiên, theo ông Sỹ, cần phải hạ thấp số năm đóng BHXH hơn nữa. Có thể là 10 năm hoặc thấp hơn theo nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. “Cơ chế này không chỉ tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu, từ đó khuyến khích họ tham gia BHXH không bao giờ là muộn; hạn chế được tình trạng người đã hết tuổi lao động phải nhận BHXH một lần do chưa đủ số năm đóng BHXH bắt buộc”, ông Sỹ nói.
Theo ông Sỹ, trường hợp các nhà soạn thảo tính toán chưa thể hạ xuống 10 năm ở thời điểm hiện nay thì nên giao cho Chính phủ quy định vấn đề này khi điều kiện kinh tế – xã hội cho phép.
Ông Phạm Minh Huân – nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH – cho rằng, mục tiêu chính của chính sách BHXH vẫn phải khuyến khích người lao động đóng tích lũy nhiều năm để sau này có thể hưởng lương hưu với mức cao hơn.
Theo ông Huân, trước năm 2014 với thời gian đóng BHXH đủ 15 năm, người lao động sẽ được hưởng mức lương hưu tối thiểu là 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, sau đó tăng lên mỗi năm 2% với nam và 3% với nữ. Tuy nhiên, với công thức tính lương hưu như vậy, mức hưởng vẫn cao hơn so với mức đóng. Do đó, để cân bằng lại, Luật BHXH năm 2014 đã được sửa đổi tăng dần lên 20 năm mới được hưởng 45%.
“Trong lần sửa đổi này, khi rút ngắn thời gian đóng còn 15 năm hay 10 năm, mức hưởng sẽ giảm đi, dẫn đến lương hưu rất thấp. Do vậy, cơ quan soạn thảo cần tính toán mức hưởng là bao nhiêu để khuyến khích người dân tham gia BHXH, song cần có cơ chế khuyến khích người lao động đóng nhiều năm để sau này hưởng mức lương hưu cao hơn”, ông Huân nói.
Trao đổi với Tiền Phong , một lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sau kỳ họp Quốc hội lần thứ 6, việc đề xuất giảm thời gian đóng BHXH từ 15 năm hay 10 năm đang được Bộ tiếp tục lấy ý kiến điều chỉnh để hoàn thiện dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Dự kiến, dự thảo sẽ tiếp tục trình Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 6 năm nay.
Trước đó, báo Tuổi trẻ đã đăng tải thông tin với tiêu đề: “Đóng bảo hiểm xã hội 10 – 15 năm vẫn được nhận lương hưu?”. Nội dung cụ thể như sau:
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 8-6, ông Phạm Trường Giang, vụ trưởng Vụ đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH – Bộ LĐ-TB & XH), cho biết cơ quan này đã lập hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật BHXH 2014 (có hiệu lực từ 1-1-2016) và gửi các bộ, ngành liên quan để xin ý kiến.
2025: 55% người có lương hưu
“Một trong những điểm mới, quan trọng và được nhiều người quan tâm nhất ở lần sửa đổi lần này là chúng tôi đề xuất rút ngắn thời gian đóng BHXH. Thay vì đóng BHXH từ 20 năm trở lên mới được nhận lương hưu, chúng tôi đề xuất giảm dần số năm đóng xuống còn 15 năm, hướng tới 10 năm. Tức đóng BHXH đủ 15 năm, 10 năm cũng sẽ được nhận lương hưu.
Tất nhiên, thời gian đóng ngắn hơn thì mức hưởng lương hưu cũng sẽ thấp hơn” – ông Nguyễn Duy Cường, phó vụ trưởng Vụ BHXH, giải thích thêm.
Theo ông Cường, Bộ LĐ-TB&XH lập hồ sơ đề nghị và gửi các bộ, ngành xin ý kiến. Bộ LĐ- TB&XH sẽ tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành để hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị và gửi Bộ Tư pháp thẩm định.
Sau khi Bộ Tư pháp thẩm định sẽ gửi Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Nếu đồng ý, Chính phủ sẽ tiếp tục trình Quốc hội xin đưa vào chương trình của Quốc hội để sửa Luật BHXH, và đến khi đó các bộ phận liên quan sẽ chính thức bắt tay vào xây dựng các nội dung cần sửa đổi…
Phó vụ trưởng Vụ BHXH cho biết mục tiêu nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH đặt ra là đến năm 2021 có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội và đến năm 2025 con số này tăng lên 55%.
Nghị quyết cũng chỉ rõ giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp, tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp nhưng vẫn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Đây là một thách thức lớn, trong khi chính sách BHXH còn nhiều bất cập và chưa phù hợp tốc độ già hóa dân số.
66,5% người lao động chưa tham gia BHXH
Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, đến thời điểm cuối năm 2020 mới chỉ có gần 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, vẫn còn gần 32 triệu người trong lực lượng lao động ở độ tuổi lao động (khoảng 66,5%) chưa tham gia BHXH. Còn hơn 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu chưa được hưởng một tầng an sinh nào khác.
Cần sớm sửa Luật BHXH
Bộ LĐ-TB&XH cũng chỉ ra Luật BHXH năm 2014 hiện đã xuất hiện những hạn chế, bất cập nên cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.
Cụ thể, diện bao phủ BHXH theo quy định của pháp luật cũng như quy mô tham gia BHXH trên thực tế còn thấp; quỹ hưu trí và tử tuất khó đảm bảo cân đối trong dài hạn do chính sách BHXH hiện hành được kế thừa từ các chính sách BHXH trong giai đoạn kế hoạch hóa tập trung, thiết kế dành cho công nhân viên chức khu vực nhà nước, do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Khi mở rộng ra các khu vực kinh tế khác thì chính sách chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, chưa phù hợp với sự thay đổi về đặc điểm của quy mô và cơ cấu dân số, chưa phù hợp với nguyên tắc đóng – hưởng và cân đối giữa mức đóng – mức hưởng, dẫn đến quỹ hưu trí và tử tuất khó đảm bảo khả năng cân đối trong dài hạn; c\
Chính sách BHXH thiếu sự chia sẻ; điều kiện hưởng BHXH một lần khá dễ dàng, và đặc biệt là quy định điều kiện về thời gian tối thiểu được hưởng lương hưu quá chặt chẽ dẫn đến số người đang tham gia rời bỏ hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu khá lớn.