Việt Nam hiện có 11 ngày nghỉ lễ chính thức thấp hơn bình quân chung của khu vực Đông Nam Á và thế giới khoảng 5-6 ngày.
Ngày 27/8/2024, Tạp chí Người đưa tin đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Việt Nam đang có 11 ngày nghỉ lễ/năm, có nước nghỉ đến 39 ngày”. Nội dung cụ thể như sau:
Mới đây, cử tri đề nghị nghiên cứu, xem xét, bổ sung vào Bộ luật Lao động năm 2019 một số ngày nghỉ thêm. Trong đó có ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường 5/9, tăng thêm 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh (nghỉ từ ngày 2 đến 5/9).
Như vậy, số ngày nghỉ được đề xuất thêm là 3-4 ngày.
“Việt Nam hiện có 11 ngày nghỉ lễ chính thức gồm Tết dương lịch (1 ngày), Tết Nguyên đán (5 ngày), giỗ Tổ Hùng Vương (1 ngày), ngày Chiến thắng và Quốc tế lao động (2 ngày), Quốc khánh (2 ngày).
Số ngày nghỉ này thấp hơn bình quân chung của khu vực Đông Nam Á và thế giới khoảng 5-6 ngày”, ý kiến cử tri nêu.
Hồi đáp ý kiến của cử tri, Bộ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ thời gian nghỉ lễ, Tết cho người lao động được nghiên cứu, đề xuất căn cứ vào nhiều yếu tố như tôn giáo, phong tục, tập quán, ý nghĩa của ngày nghỉ và tác động kinh tế – xã hội.
Việc bổ sung thêm ngày lễ, Tết được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngoài ý nghĩa động viên người lao động cũng sẽ tạo áp lực cho người sử dụng lao động vì đây là ngày nghỉ có hưởng lương của người lao động.
Bộ Lao động – thương binh và xã hội sẽ phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan đánh giá tác động kinh tế – xã hội và nghiên cứu, tham mưu trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động.
Nepal nghỉ chính thức 39 ngày lễ mỗi năm
Trong khi đó, theo thống kê của Best Diplomats, Nepal là quốc gia có số ngày nghỉ chính thức nhiều nhất thế giới, lên đến 39 ngày lễ mỗi năm.
“Bí mật đằng sau lịch nghỉ nhiều của Nepal nằm ở bối cảnh tôn giáo và văn hóa của quốc gia này. Là một quốc gia chủ yếu theo đạo Hindu và Phật giáo, Nepal tổ chức nhiều lễ hội trong suốt cả năm”, Best Diplomats diễn giải lý do.
Những ngày lễ này khiến đất nước trở nên tĩnh lặng và cho phép mọi người tụ họp với nhau trong tinh thần cộng đồng và ý nghĩa của lễ kỷ niệm.
Các văn phòng hành chính công và hầu hết các doanh nghiệp tư nhân ở Nepal hoạt động 6 ngày một tuần và chỉ đóng cửa vào thứ Bảy. Các tổ chức quốc tế có quy định riêng và thường đóng cửa vào thứ Bảy và Chủ Nhật.
Các ngày lễ của chính phủ trong năm tới được công bố trên công báo chính phủ Nepal Gazette. Nepal kỷ niệm một số ngày lễ tôn giáo và phi tôn giáo. Vào hầu hết các ngày lễ này, gần như các văn phòng công và các tổ chức tư nhân đều đóng cửa, mặc dù không bắt buộc các doanh nghiệp tư nhân phải đóng cửa và các tổ chức quốc tế có thể vận hành lịch riêng của họ.
Một số sự kiện này là sự kiện dành riêng cho khu vực, tôn giáo hoặc giới tính. Ví dụ, một số ngày lễ nhất định ở Nepal chỉ dành cho phụ nữ. Ngày lễ liên tiếp dài nhất ở Nepal là trong Vijaya Dashami. Lễ hội này có thể dài bảy ngày.
Myanmar kỷ niệm tổng cộng 32 ngày lễ chính thức hàng năm. Một trong những ngày lễ quan trọng nhất ở Myanmar là Lễ hội té nước Thingyan, đánh dấu năm mới truyền thống. Lễ kéo dài bốn ngày là thời gian để mọi người tụ họp, gột rửa tội lỗi và chào đón năm mới bằng các cuộc chiến nước, âm nhạc và khiêu vũ.
Một ngày lễ quan trọng khác là Ngày Độc lập của Myanmar, kỷ niệm ngày đất nước giành được độc lập khỏi sự cai trị của thực dân Anh vào năm 1948. Các cuộc diễu hành, lễ chào cờ và bài phát biểu của chính quyền được tổ chức vào ngày này.
Sri Lanka có lịch nghỉ theo 3 tôn giáo
Iran, một quốc gia Hồi giáo, có tổng cộng 26 ngày lễ hàng năm. Những ngày lễ này là minh chứng cho bản sắc Hồi giáo và dân tộc mạnh mẽ của đất nước, với sự kết hợp giữa các lễ kỷ niệm tôn giáo và quốc gia.
Ngày lễ quan trọng nhất ở Iran là Năm mới Hồi giáo, được gọi là Nowruz. Một ngày lễ quan trọng khác là Eid al-Fitr, đánh dấu sự kết thúc của tháng Ramadan, tháng ăn chay linh thiêng của người Hồi giáo.
Iran cũng kỷ niệm một số ngày lễ quốc gia, bao gồm Ngày Cách mạng Iran, kỷ niệm cuộc cách mạng năm 1979 lật đổ chế độ quân chủ và thành lập Cộng hòa Hồi giáo.
Ở Sri Lanka, tổng cộng có 25 ngày lễ được tổ chức mỗi năm với sự kết hợp giữa các lễ hội của Thiên chúa giáo, Phật giáo và Ấn Độ giáo.
Một trong những ngày lễ quan trọng nhất ở Sri Lanka là Tết Nguyên đán Sinhalese, được gọi là Aluth Avurudda. Đây là ngày bắt đầu năm mới theo lịch Sinhalese.
Một ngày lễ quan trọng khác là là Wesak, kỷ niệm ngày sinh, ngày giác ngộ và ngày mất của Đức Phật.
Sri Lanka cũng tổ chức một số ngày lễ của Thiên chúa giáo, bao gồm Giáng sinh và Phục sinh. Những ngày lễ này được cộng đồng thiểu số theo đạo Thiên chúa của đất nước này tổ chức, chiếm khoảng 7% dân số.
Trước đó, báo Sức khỏe & Đời sống đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Đề xuất tăng thêm 2 ngày nghỉ dịp lễ Quốc khánh có hợp lý?”. Nội dung cụ thể như sau:
Mới đây, cử tri các tỉnh Bắc Kạn, Hải Dương, Quảng Nam, Khánh Hòa và Bình Thuận lại tiếp tục đề xuất thêm ngày nghỉ lễ trong năm. Theo đó, cử tri đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh 2/9 (nghỉ từ ngày 2/9 đến ngày 5/9) để tạo cơ hội cho công nhân được đưa con đến trường trong ngày khai giảng.
Nhiều ý kiến cử tri là đoàn viên, người lao động đồng tình với đề xuất tăng thêm 2 ngày nghỉ dịp Quốc khánh (từ ngày 2 đến 5/9 hàng năm) vì số ngày nghỉ chính thức trong năm còn ít và để công nhân có cơ hội được đưa con tới trường dự lễ khai giảng. Cử tri cũng đề nghị xem xét trình Quốc hội sửa đổi Bộ luật Lao động theo hướng bổ sung thêm 1 ngày người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương là ngày 5/9 hằng năm.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan đánh giá tác động kinh tế – xã hội và nghiên cứu, tham mưu trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề xuất mở rộng kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh từ 2/9 đến 5/9, để tạo điều kiện cho công nhân đưa con đi học vào ngày khai giảng – một mong mỏi thiết tha của nhiều gia đình công nhân.
Hiện Việt Nam có 11 ngày nghỉ lễ chính thức gồm Tết Dương lịch (1 ngày), Tết Nguyên đán (5 ngày), Giỗ tổ Hùng Vương (1 ngày), ngày Chiến thắng và Quốc tế lao động (2 ngày), Quốc khánh (2 ngày). Số ngày nghỉ này thấp hơn bình quân chung của khu vực Đông Nam Á và thế giới khoảng 5-6 ngày.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn chủ tịch, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, hiện nay Việt Nam có 11 ngày nghỉ, so với thế giới là thấp. Các nước Đông Nam Á hơn chúng ta bình quân khoảng 5 – 6 ngày nghỉ. Do vậy, việc tăng thêm 2 ngày nghỉ theo đề xuất của một số cử tri là hợp lý. Ngày nghỉ tăng lên không có nghĩa là năng suất xã hội giảm đi vì kỳ nghỉ dài thì nâng cao đời sống tinh thần, tăng phúc lợi của người lao động, kích cầu du lịch… Khi người lao động có thêm sức khỏe, tinh thần thoải mái thì mới thúc đẩy được năng suất lao động.
Việc tăng thêm 2 ngày nghỉ vào dịp Quốc khánh, gần với năm học mới, các bố mẹ có điều kiện đưa con đến trường khai giảng cũng khá hợp lý. Tuy nhiên, Bộ Lao động, thương binh và xã hội cần phải đánh giá tác động, lắng nghe ý kiến của nhân dân, đặc biệt là của doanh nghiệp, bởi tăng ngày nghỉ lễ doanh nghiệp vẫn phải trả lương cho người lao động.
Ông Lê Đình Quảng, phó trưởng ban chính sách – pháp luật, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, bày tỏ đồng tình với mong muốn của công nhân lao động về tăng ngày nghỉ lễ. Trước đó, khi tham gia ý kiến sửa đổi Bộ luật Lao động, tổ chức Công đoàn đề xuất tăng thêm ngày nghỉ lễ, ví dụ dịp Quốc khánh. Chẳng hạn, Trung Quốc cho nghỉ Quốc khánh 3 ngày, Việt Nam có thể cân nhắc nghỉ thêm, vượt đến ngày 5/9, tức ngày toàn dân đưa trẻ đến trường.
Tuy nhiên, ông Quảng cho rằng, Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 đã nâng số ngày nghỉ lễ Tết từ 10 ngày lên 11, đảm bảo cân đối ngày nghỉ hằng tuần và ngày nghỉ lễ. Tuy ngày nghỉ lễ Tết của chúng ta thấp so với khu vực, song việc nâng số ngày nghỉ cần được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế – chính trị – xã hội.Quy định nào có lợi cho người lao động thì nên làm
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết, mỗi quốc gia thường có những ngày nghỉ trong năm để ăn mừng những sự kiện văn hóa, tôn giáo hay chính trị quan trọng. Những ngày lễ đặc biệt, người lao động không phải đi làm mà vẫn được hưởng lương, được gọi là ngày nghỉ lễ. Những ngày nghỉ lễ thường được quy định trong luật lao động của mỗi nước.
So với nhiều nước trên thế giới, 11 ngày nghỉ lễ của Việt Nam không phải là quá nhiều. Những quốc gia có số ngày nghỉ lễ trong năm cao hơn như Ấn Độ nghỉ 21 ngày; Trung Quốc nghỉ 17 ngày; Thổ Nhĩ Kỳ nghỉ 16 ngày; Thụy Điển nghỉ 15 ngày;… So với những nước trong khu vực, Việt Nam cũng có ngày nghỉ lễ ít hơn khi Campuchia nghỉ tới 27 ngày; Philippines nghỉ 18 ngày, Thái Lan nghỉ 16 ngày, Malaysia và Nhật Bản nghỉ 15 ngày, Lào nghỉ 12 ngày…
Thực tế cho thấy, hiện người lao động, đặc biệt là lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, những công nhân lao động thủ công, thường xuyên phải làm việc với cường độ cao, rất vất vả, có khi phải làm cả ca ba do vậy hơn ai hết họ rất cần được nghỉ ngơi để có sức khỏe lao động.
Đề xuất bổ sung thêm ngày nghỉ lễ, bà Hương cho rằng dịp 27/7 khắp nơi trong cả nước vẫn tổ chức các hoạt động thăm viếng nghĩa trang, liệt sỹ, tri ân tặng quà người có công. Ở Việt Nam có hàng triệu gia đình có người thân hy sinh trong các cuộc kháng chiến. Các nghĩa trang ở Việt Nam rất nhiều, nếu không được nghỉ, thân nhân liệt sỹ vẫn nghỉ phép để đi thăm viếng nghĩa trang… sẽ là một ngày nghỉ có nhiều ý nghĩa.
Ngoài ra, hiện Luật Lao động của nước ta cũng đang hướng tới mục tiêu giúp người lao động có chất lượng sống cao hơn, mà một trong số các tiêu chí là thời gian nghỉ dưỡng của công chức, viên chức, người lao động nhiều hơn. Do vậy quy định nào khiến người lao động được hưởng lợi nhiều hơn thì cũng là điều nên làm.
“Ngày nghỉ dài, gia đình cha mẹ, con cái có dịp để quây quần bên nhau trong kỳ nghỉ dài, tạo ra sự gắn kết, trẻ em được vui chơi trước khi bước vào năm học mới đầy vất vả là điều hợp lý, nên nghiên cứu tính toán”, ông Nguyễn Túc nói.