Bão số 3 sau khi vào Biển Đông đã tăng 4 cấp, đang mạnh cấp 12, giật cấp 14 và có thể mạnh cấp 15, giật trên cấp 17.
Theo Phụ nữ mới, theo thông tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, đến 10h trưa ngày 4/9, bão số 3 (tên quốc tế YAGI) đã mạnh lên cấp cuồng phong – cấp 12 (118-133km/giờ), giật cấp 15. Thời điểm này, tâm bão đang ở vào khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 117,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 730km về phía Đông. Bão di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Bắc, khoảng 10km/giờ.
Dự báo từ nay đến 10 giờ trưa ngày 5/9, bão số 3 vẫn tiếp tục mạnh lên, đạt cấp độ 13-14, giật cấp 17 khi còn cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 470km về phía Đông.
Đến ngày 6/9, bão số 3 ở thời điểm mạnh nhất với cường độ dự báo lên cấp 14-15, giật trên cấp 17, sát với cấp siêu bão là cấp 16. Toàn bộ vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông đều được nâng cấp độ rủi ro thiên tai lên cấp 4.
Đến khoảng sáng ngày 7/9, bão số 3 đi vào Vịnh Bắc Bộ. Khi vào Vịnh Bắc Bộ, bão vẫn giữ cấp độ 12-13, giật cấp 16.
Dự báo do tác động của bão số 3, khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17; biển động dữ dội. Từ ngày 5 đến 6/9, bão số 3 tiếp tục tăng cường độ, gió mạnh có thể đạt tới cấp 15, giật trên cấp 17 ở vùng gần tâm bão.
Trong 24 giờ tới, vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, sóng biển cao 5,0-7,0m, vùng gần tâm bão 7,0-9,0m. Từ ngày 5 đến 6-9, có thể tăng dần lên 9,0-11,0m. Biển động dữ dội. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.
Chia sẻ trên báo Sức khỏe& Đời sống, TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai dự báo, thời gian bão đi vào Vịnh Bắc Bộ vào tối ngày 6/9, rạng sáng ngày 7/9. Thời gian bão tiếp cận vùng bờ biển Vịnh Bắc Bộ vào khoảng tối ngày 7/9, rạng sáng ngày 8/9. Bão có thể đi sâu vào đất liền khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Hà Nội
Khi bão vào Vịnh Bắc Bộ, bão có thể giảm với vận tốc gió từ 120-150km/h (mạnh cấp 13, giật cấp 15). Khi vào gần bờ bão vẫn có thể giữ gió mạnh cấp 12 giật cấp 13. Vùng ảnh hưởng của gió mạnh là các tỉnh từ Thanh Hóa tới Quảng Ninh và các tỉnh lân cận trong đồng bằng Bắc Bộ
Với cấp bão như dự báo, lượng mưa trong vòng 24h khi bão vào đất liền có thể lên đến 350-400mm. Lượng mưa toàn đợt, bao gồm cả mưa do hoàn lưu bão gây nên có thể lên đến 500mm trong vòng 2 ngày.
Nguy cơ ngập lụt ở các vùng thấp trũng các tỉnh ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và các tỉnh phía trong đất liền gồm Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Yên Bái và các tỉnh miền núi phía Bắc có nguy cơ cao bị ngập lụt do lượng mưa lớn xối xả.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ