Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác kiểm dịch y tế tại sân bay quốc tế Nội Bài, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới, tại Việt Nam và Hà Nội.
Báo Tuổi trẻ đưa tin “Phòng dịch lạ tại Congo, Hà Nội tăng cường kiểm dịch y tế tại sân bay Nội Bài” với nội dung:
Nhiều nước trong khu vực cũng tăng cường giám sát tại sân bay để ngăn dịch bệnh từ Congo
Qua đó nhằm phát hiện sớm các ca mắc, nghi mắc đến Hà Nội để thực hiện các phương án phòng, chống phù hợp, kịp thời.
Hôm 12-12, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn, báo cáo nhanh về các trường hợp mắc bệnh không rõ nguyên nhân tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Ngày 10-12, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm có thông báo đã ghi nhận thông tin về các trường hợp mắc bệnh không rõ nguyên nhân tại Congo.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24-10 đến 5-12, tại khu vực y tế Panzi thuộc tỉnh Kwango, Congo đã ghi nhận 416 trường hợp mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân.
Trong đó có 31 trường hợp tử vong (tỉ lệ tử vong là 7,6%). Các triệu chứng ghi nhận bao gồm: sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau cơ. Các trường hợp mắc chủ yếu là trẻ em (53% số mắc và 54,8% số tử vong là dưới 5 tuổi). Tất cả trường hợp nặng đều bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng.
Một số quốc gia trong khu vực châu Á và Đông Nam Á cũng nhận định nguy cơ bệnh xâm nhập từ Congo là thấp, do lượng khách đi/đến từ khu vực này rất ít và không có chuyến bay trực tiếp từ Congo.
WHO đã hỗ trợ Congo triển khai các đội đáp ứng nhanh; tổ chức quản lý điều tra ca bệnh, lấy mẫu xét nghiệm tác nhân gây bệnh và các hoạt động phòng, chống dịch tại khu vực xảy ra ổ dịch.
Ngày 10-12, theo thông tin cập nhật từ WHO đã ghi nhận có 10/12 mẫu xét nghiệm ban đầu dương tính với sốt rét.
Trên cơ sở các thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã chỉ đạo và tổ chức theo dõi giám sát các diễn biến tình hình dịch bệnh tại Congo.
Cục tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh; chủ động thực hiện giám sát dựa vào sự kiện với thông tin về dịch bệnh tại Congo; phối hợp với WHO và đầu mối các quốc gia cập nhật, chia sẻ thông tin về dịch bệnh.
Trường hợp có các diễn biến mới, Cục Y tế dự phòng sẽ phối hợp với WHO và các đơn vị liên quan đánh giá nguy cơ để đề xuất các đáp ứng phù hợp bao gồm việc tăng cường công tác kiểm dịch y tế…
Theo WHO, Congo đã ghi nhận 416 trường hợp mắc bệnh bí ẩn chưa được chẩn đoán. Các trường hợp diễn biến nặng chủ yếu là người suy dinh dưỡng nghiêm trọng, trong đó có 31 trường hợp tử vong, phần lớn là trẻ em.
Trước đó Bộ trưởng Y tế Congo Roger Kamba cho biết chính quyền Congo xác nhận khoảng 380 trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh, trong đó gần 200 ca trong số các ca nhiễm bệnh là trẻ em dưới 5 tuổi, 71 trường hợp tử vong, bao gồm 27 người tử vong tại bệnh viện và 44 người tử vong trong cộng đồng ở khu vực tỉnh Kwango.
Trong khi đó CDC châu Phi ghi nhận số ca mắc bệnh lạ là 376 ca, trong đó có 79 ca tử vong. Trước đó thông tin cho biết có tới hơn 140 ca tử vong.
Báo Dân trí cũng đưa tin “Dịch lạ ở Congo, TPHCM ứng phó ra sao?” với nội dung:
Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Châu Phi (CDC Châu Phi), một dịch bệnh đang bùng phát tại khu vực Panzi, tỉnh Kwango, Cộng hòa Dân chủ Congo (CHDC Congo).
Dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Panzi, khu vực thiếu lương thực và điều kiện y tế (Ảnh: Evrimagaci).
Tại TPHCM, theo Sở Y tế, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất không có đường bay thẳng từ CHDC Congo. Hành khách ở quốc gia trên sẽ phải quá cảnh qua các nước thuộc khu vực châu Âu, Trung Đông, Châu Á trước khi có thể đến Tân Sơn Nhất.
Hơn nữa, 4 sân bay quốc tế của Congo đều không thuộc khu vực đang có dịch theo báo cáo của WHO. Về đường hàng hải, Congo có 1 cảng biển, là cảng Boma ở TP Kinshasa.
Thành phố này cũng không thuộc vùng dịch, và thông thường thời gian để di chuyển từ đây đến cảng hàng hải TPHCM mất 30-40 ngày, đủ thời gian phát hiện bệnh (nếu có).
Để chủ động, sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xâm nhập, Sở Y tế TPHCM chỉ đạo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) theo dõi sát tình hình diễn biến dịch, liên tục liên hệ, kết nối các đơn vị để cập nhật thông tin, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng phương án đáp ứng theo từng mức độ nguy cơ.
Bộ phận Kiểm dịch y tế quốc tế của HCDC sẽ túc trực 24/7 tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng hải TPHCM để kiểm soát các nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm từ nước ngoài xâm nhập vào.
Kiểm tra giám sát dịch bệnh tại sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM (Ảnh: VE).
Tại Tân Sơn Nhất, các kiểm dịch viên y tế sẽ giám sát liên tục hành khách nhập cảnh qua hệ thống đo thân nhiệt từ xa, quan sát các biểu hiện bất thường về sức khỏe trong khi hành khách vẫn di chuyển bình thường.
Tùy theo tình hình dịch, HCDC sẽ kích hoạt hệ thống giám sát cảnh báo sớm tại các cơ sở khám chữa bệnh và trong cộng đồng, thông qua mạng lưới cộng tác viên sức khỏe hiện đã bao phủ khắp 22 quận, huyện, TP Thủ Đức.
TPHCM cũng tổ chức đào tạo, tập huấn cho các đội đáp ứng nhanh và các đơn vị liên quan đến hoạt động giám sát, điều tra xử lý dịch; triển khai mạng lưới thu dung, phân tuyến điều trị ngay khi phát hiện trường hợp nghi ngờ bệnh, để dịch không lây lan trong cộng đồng.
Sở Y tế TPHCM khuyến cáo người dân không nên đến các vùng đang có dịch nếu không cần thiết.
Đối với người đã từng đi qua các vùng có dịch, nếu phát hiện những triệu chứng nghi ngờ cần đến ngay cơ sở y tế và cung cấp đầy đủ thông tin về lịch trình đi lại, để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, cũng như hạn chế lây nhiễm cho cộng đồng.
Theo thông tin cập nhật từ Bộ Y tế Congo ngày 17/12, dịch bệnh “bí ẩn” đang diễn ra tại vùng Panzi – khu vực hẻo lánh, khả năng tiếp cận chẩn đoán, xét nghiệm, quản lý y tế hạn chế – thực chất là một dạng sốt rét nặng.