Tài xế ôtô hoặc xe máy nếu vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất sẽ bị trừ hết 12 điểm – số điểm tối đa của mỗi giấy phép lái xe, từ 1/1/2025.
Thông tin được nêu trong Nghị định 168/2024 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, có hiệu lực từ 1/1/2025.
Quy định về trừ điểm bằng lái được áp dụng từ 2025 khi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực thi hành. Nếu bị trừ hết điểm, tài xế sẽ không được điều khiển phương tiện theo loại giấy phép lái xe đó. Sau ít nhất 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, tài xế sẽ được tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật để phục hồi điểm bằng lái.
Theo nghị định 168, người lái ôtô và các loại xe tương tự, xe chở người bốn bánh trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 6 đến 8 triệu đồng (bằng hiện hành). Mức phạt thêm là trừ 6 điểm giấy phép lái xe (hiện bị tước bằng 10-12 tháng).
Tài xế ôtô vi phạm trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50-80 miligam/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 miligam/lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 18 đến 20 triệu đồng (tăng 2 triệu đồng so với hiện hành), bị trừ 10 điểm giấy phép lái xe (hiện bị tước bằng 16-18 tháng).
Với mức vi phạm nồng độ cồn cao nhất đó là người điều khiển ôtô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở, sẽ bị phạt từ 30 đến 40 triệu đồng, trừ 12 điểm giấy phép lái xe (quy định hiện hành tước bằng 22-24 tháng).
Một chốt kiểm tra nồng độ cồn của Cảnh sát giao thông. Ảnh: Phạm Hiệp
Với xe máy, người lái xe máy vi phạm ở mức thấp nhất đó là chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/lít khí thở sẽ giữ nguyên tiền phạt 2-3 triệu đồng song bị trừ 6 điểm giấy phép lái xe (hiện bị tước bằng lái 10-12 tháng).
Người vi phạm ở mức 50-80 miligam/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 miligam/lít khí thở sẽ bị phạt 6 đến 8 triệu đồng (hiện hành 4-5 triệu đồng). Người vi phạm còn bị trừ 10 điểm giấy phép lái xe (hiện bị tước bằng lái 16-18 tháng).
Người vi phạm mức nồng độ cồn cao nhất là vượt quá 80 miligam/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở, sẽ bị phạt 8-10 triệu đồng (hiện 6-8 triệu đồng), trừ 12 điểm giấy phép lái xe (hiện bị tước bằng 22-24 tháng).
Về nguyên tắc trừ điểm giấy phép lái xe, người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính trong cùng một lần hoặc vi phạm hành chính nhiều lần mà bị xử phạt trong cùng một lần, nếu có từ hai hành vi bị trừ điểm trở lên thì số điểm bị trừ là số điểm của hành vi bị trừ điểm nhiều nhất.
Trường hợp số điểm còn lại của giấy phép lái xe ít hơn số điểm bị trừ áp dụng biện pháp “trừ hết số điểm còn lại của giấy phép đó”. Nếu trừ điểm với bằng lái tích hợp “có thời hạn và không thời hạn” thì người có thẩm quyền trừ điểm phải ghi rõ các hạng giấy phép lái xe có thời hạn hoặc không có thời hạn.
Mức phạt vi phạm nồng độ cồn áp dụng từ 2025.
Theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, mỗi giấy phép lái xe có 12 điểm, dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ. Nếu vi phạm, tài xế sẽ bị trừ điểm tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi.
Trong văn bản hướng dẫn thực hiện, Bộ Công an đề xuất 189 hành vi sẽ bị trừ điểm giấy phép lái xe từ 2 đến 12 điểm, trong đó 28 hành vi bị trừ 12 điểm. Đây đều là lỗi có tính cố ý, nguy hiểm, nguy cơ cao gây tai nạn giao thông.
Điều 58 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định người có giấy phép lái xe bị trừ hết điểm sẽ không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Bằng lái sẽ được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất.
Sau ít nhất là 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có giấy phép lái xe được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.