Bộ Y tế vừa ban hành danh mục 62 bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo không cần giấy chuyển viện, người bệnh vẫn được hưởng 100% mức hưởng bảo hiểm y tế.

Báo VnExpress đưa tin “62 bệnh nặng, hiếm được phép ‘vượt tuyến'” với nội dung:

Danh mục 62 bệnh này được công bố trong Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế, ngày 1/1.

Theo đó, chúng thuộc nhóm bệnh nhiễm trùng, ung thư, hội chứng rối loạn chuyển hóa, rối loạn dự trữ thể tiêu bào, bệnh lý thần kinh, tim mạch, phổi, da, dị tật bẩm sinh và các tình trạng đặc biệt như kháng thuốc chống lao, di chứng chiến tranh, hoặc tình trạng ghép tạng.

Người mắc các bệnh này khi được chẩn đoán ở cấp ban đầu có thể đến thẳng cơ sở chuyên sâu khám, chữa bệnh mà không cần giấy chuyển viện, vẫn được hưởng 100% quyền lợi BHYT theo quy định.

Nếu tự đi khám tại cấp chuyên sâu và được chẩn đoán mắc các bệnh trên, quyền lợi BHYT cũng được áp dụng ngay từ lần khám đầu tiên. Tuy nhiên, BHYT không chi trả cho các quyền lợi nằm ngoài danh mục trong trường hợp bệnh nhân đăng ký khám thêm.

Bệnh nhân chờ khám bệnh tại Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cơ sở 2, TP Thủ Đức, tháng 6/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Thời gian qua, đa số bệnh nan y không thể điều trị tại tuyến xã hoặc huyện, nhưng người bệnh vẫn phải làm thủ tục chuyển tuyến để hưởng BHYT, gây phiền hà và tốn thời gian. Nhiều người không đủ kiên nhẫn hoặc không thể chờ đợi đã chọn khám dịch vụ, dẫn đến mất quyền lợi BHYT. Với quy định mới, người bệnh sẽ được đến thẳng cơ sở y tế chuyên môn, giúp tiết kiệm thời gian, tránh phiền hà trong thủ tục chuyển tuyến và đảm bảo quyền lợi BHYT.

Dưới đây là các bệnh cụ thể được phép vượt tuyến:

Nhóm Tên cụ thể
Bệnh lao và nhiễm trùng nấm Viêm màng não do lao (G01*); u lao màng não (G07*); lao khác của hệ thần kinh; lao hệ thần kinh, không xác định (G99.8*); nhiễm mycobacteria ở phổi; nhiễm histoplasma capsulatum ở phổi cấp tính; nhiễm nấm blastomyces ở phổi cấp tính, nhiễm nấm paracoccidioides ở phổi; nhiễm sporotrichum ở phổi (J99.8*); nhiễm aspergillus ở phổi xâm lấn; nhiễm cryptococcus ở phổi; nhiễm mucor ở phổi; nhiễm mucor lan tỏa.
Bệnh lý ung thư U ác tụy; u ác tuyến ức; u ác của tim, trung thất và màng phổi; u ác của xương và sụn khớp ở vị trí khác và không xác định; u ác của màng não; u ác của não; u ác của tủy sống, dây thần kinh sọ và các phần khác của hệ thần kinh trung ương; u ác thứ phát của não và màng não; nhóm u ác tính; u ác của hệ lympho, hệ tạo máu và các mô liên quan.
Bệnh chuyển hóa hiếm Hội chứng loạn sản tủy xương; các thể suy tủy xương khác; bệnh tăng đông máu khác (hội chứng kháng phospho lipid); hội chứng thực bào tế bào máu liên quan đến nhiễm trùng; bệnh đái tháo đường phụ thuộc insuline (có đa biến chứng); bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insuline (có đa biến chứng); rối loạn chuyển hóa acid amin thơm; rối loạn chuyển hóa acid amin chuỗi nhánh và rối loạn chuyển hóa acid béo; các rối loạn khác của chuyển hóa acid amin
Bệnh thần kinh Rối loạn dự trữ thể tiêu bào (bệnh Pompe, bệnh MPS, bệnh Gaucher, bệnh Fabry); rối loạn chuyển hóa đồng (bao gồm cả bệnh Wilson); thoái hóa dạng bột; rối loạn trầm cảm tái diễn; rối loạn ám ảnh nghi thức; viêm não, viêm tủy và viêm não-tủy; xơ cứng rải rác; viêm tủy thị thần kinh Devic; nhược cơ; bệnh lý võng mạc của trẻ đẻ non; suy tim; hoại tử thượng bì nhiễm độc (Lyell/Steven Johnson).
Bệnh lý sau phẫu thuật và khác Hội chứng sau mổ tim; rối loạn chức năng khác sau phẫu thuật tim; bệnh phổi mô kẽ khác; áp xe phổi và trung thất; mủ lồng ngực (nhiễm trùng nặng ở phổi); bệnh Crohn (viêm ruột từng vùng); pemphigus; viêm mạch mạng lưới; bệnh da tăng bạch cầu trung tính có sốt (hội chứng Sweet); bệnh Lupus ban đỏ hệ thống có tổn thương phủ tạng; đái tháo đường sơ sinh; dị tật bẩm sinh khác của não; các dị tật bẩm sinh khác của tủy sống.
Dị tật bẩm sinh và di chứng Nhóm các dị tật bẩm sinh của hệ thống tuần hoàn; biến dạng bẩm sinh của khớp háng; kháng (các) thuốc chống lao; di chứng của hoạt động chiến tranh (di chứng do vết thương chiến tranh); tình trạng của mảnh ghép cơ quan và tổ chức.

 

Báo Lao động đưa tin “5 quy định mới có lợi cho người dân khám, chữa bệnh BHYT” với nội dung:

5 quy định mới có lợi cho người dân khám, chữa bệnh BHYT. Ảnh: Cao Thơm

1. BHYT thanh toán 100% cho một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo lên thẳng cấp chuyên sâu

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) vừa được thông qua có 8 điểm mới, trong đó quy định mức BHYT khi thực hiện thông cấp khám chữa bệnh BHYT theo hướng không phân biệt địa giới hành chính, giữ ổn định tỷ lệ mức hưởng BHYT theo quy định của Luật hiện hành và mở rộng với một số trường hợp.

Người bệnh đã được chẩn đoán xác định mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần sử dụng kỹ thuật cao nằm trong danh mục của Bộ Y tế ban hành có thể đến thẳng trực tiếp cấp chuyên sâu mà không cần xin giấy chuyển viện.

2. Bệnh viện không có thuốc, người bệnh BHYT được hoàn tiền khi mua ngoài

Trường hợp thuốc thuộc phạm vi thanh toán là thuốc thuộc Danh mục thuốc hiếm ban hành kèm theo Thông tư số 26/2019 của Bộ trưởng Y tế.

Thiết bị y tế được thanh toán thuộc loại C hoặc D, trừ thiết bị y tế chẩn đoán in vitro, thiết bị y tế đặc thù cá nhân, thiết bị y tế thuộc danh mục thiết bị y tế do Bộ trưởng Y tế ban hành được mua, bán như các hàng hóa thông thường theo quy định tại Nghị định số 98/2021 của Chính phủ và Nghị định số 07/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021.

Theo Điều 3 Thông tư 22, trường hợp bác sĩ kê đơn thuốc nằm trong danh mục bảo hiểm nhưng thời điểm đó bệnh viện không có thuốc, bệnh nhân phải mua thuốc ngoài thì bảo hiểm sẽ hoàn trả tiền lại cho bệnh nhân nếu đáp ứng một số điều kiện.

Cơ quan BHXH sẽ thanh toán trực tiếp cho bệnh nhân theo số lượng và đơn giá được ghi trên hóa đơn do người bệnh mua tại cơ sở kinh doanh dược

3. Không phân chia danh mục thuốc được BHYT chi trả theo hạng bệnh viện

Theo Phụ lục ban hành kèm Thông tư 20/2022/TT-BYT, thuốc trong danh mục BHYT chi trả được phân theo hạng bệnh viện gồm: Bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I, hạng II, hạng III và hạng IV; Tuyến chuyên môn kỹ thuật bao gồm: tuyến Trung ương, tỉnh, huyện, xã.

Tại Thông tư 37/2024, Bộ Y tế bãi bỏ các cột phân hạng bệnh viện sử dụng thuốc; ghi chú về quy định tỷ lệ thanh toán, điều kiện thanh toán của thuốc… Điều này đồng nghĩa với việc sẽ không phân chia danh mục thuốc được BHYT chi trả theo hạng bệnh viện.

Khi đó, các cơ sở khám chữa bệnh được sử dụng toàn bộ các thuốc trong danh mục, phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, không phân biệt hạng bệnh viện, hay cấp chuyên môn kỹ thuật.

Quy định này sẽ có hiệu lực khi có Thông tư ban hành danh mục thuốc thay thế Thông tư 20/2022.

4. Thanh toán thuốc tại trạm y tế xã

Trong Thông tư 37/2024, tại Điều 16, Bộ Y tế hướng dẫn một số trường hợp thanh toán thuốc tại trạm y tế xã.

– Trạm y tế khám, kê đơn và cấp phát thuốc theo phạm vi hoạt động chuyên môn, dịch vụ kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt

– Thuốc được trạm y tế cấp phát theo kê đơn của cơ sở khám chữa bệnh cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn.

Theo đó, từ ngày 1.1, Quỹ BHYT thanh toán thuốc đối với trường hợp người tham gia BHYT được quản lý các bệnh mạn tính tại trạm y tế xã.

Trường hợp trạm y tế xã có người hành nghề khám chữa bệnh được điều động, luân phiên khám chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn, chỉ đạo chuyên môn kỹ thuật từ cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn theo phân công hoặc kế hoạch của cấp có thẩm quyền hoặc theo hợp đồng; trường hợp chuyển giao kỹ thuật theo hợp đồng, trường hợp khám chữa bệnh từ xa hoặc hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa theo quy định của pháp luật về khám chữa bệnh.

5. Bổ sung điều kiện thanh toán một số kỹ thuật trong chẩn đoán, điều trị ung thư

Thông tư 39/2024 của Bộ Y tế có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1 với nhiều điểm mới có lợi cho người dân.

Trong đó, về quy định tại Danh mục 1 và 2 sửa đổi, Bộ Y tế bổ sung điều kiện thanh toán của dịch vụ kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) 64 dãy đến 128 dãy theo hướng mở rộng đối với một số trường hợp cần thiết để phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh chính xác hơn (chụp ngực/bụng đối với trẻ em dưới 6 tuổi; Chụp vùng sọ – mặt cho bệnh lý dị tật sọ mặt bẩm sinh…).

Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung điều kiện thanh toán của dịch vụ kỹ thuật chụp PET/CT khi xác định tái phát/di căn đối với bệnh ung thư đường mật, ung thư tinh hoàn, ung thư khoang miệng, ung thư tế bào hắc tố, u nguyên bào thần kinh, ung thư dạ dày.

Bổ sung điều kiện thanh toán đối với một số chất chỉ điểm khối u để chẩn đoán ung thư di căn không rõ u nguyên phát, Định lượng SCC (máu), xét nghiệm đột biến gene Her 2…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *