Hội Sân khấu TPHCM cho biết, nghệ sĩ Vũ Đức (sinh năm 1953), kép hề nổi tiếng của sân khấu cải lương một thời, đã qua đời vào rạng sáng 31/8 vì bệnh nặng.
Với những khán giả cải lương lâu năm, Vũ Đức là gương mặt quen thuộc. Ông xuất hiện trong nhiều vở diễn được công chúng yêu thích vào thập niên 1980 – 1990, như: Đưa em về quê mẹ, Ra giêng anh cưới em, Tại vì nghèo, Duyên ai, Chung Vô Diệm, Một ngày làm vua… Đồng thời, ông cũng là một trong những cây hài “oanh tạc” địa hạt video cải lương.
Nghệ sĩ hài Vũ Đức thuở còn hoạt động – Ảnh: Hội Sân khấu TPHCM
Là con nhà nòi (cha là kép Văn Đủ) và được trui rèn từ nhỏ trong đoàn Đồng Ấu Minh Tơ cùng những tên tuổi lừng lẫy của gia tộc Minh Tơ cho nên dù hạn chế về sắc vóc lẫn giọng ca nhưng Vũ Đức vẫn tạo được dấu ấn cho mình bằng nét diễn hài duyên dáng.
Cái vóc dáng nhỏ thó, giọng ca đặc trưng và giọng cười “không đụng hàng” khiến các vai độc – hài của ông vừa đáng ghét mà cũng lại dễ thương, làm khán giả xem một lần là ấn tượng.
Nghệ sĩ Mỹ Chi và Vũ Đức trong một tiểu phẩm hàiNghệ sĩ Mỹ Chi và Vũ Đức trong một tiểu phẩm hài
Vũ Đức từng hát qua nhiều đoàn với vai trò kép hề, như: Xuân Liên Hoa, Hoàng Ngọc Ẩn, Tiền Giang, Sông Bé Mới, Cao Nguyên, Sài Gòn 1, Trần Hữu Trang… Đặc biệt, ở nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, trong vở Giấc mộng không tên, Vũ Đức đã có chiếc huy chương vàng cá nhân trong Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 1995 với vai anh nông dân Lợt.
Năm 2005, nghệ sĩ Vũ Đức bất ngờ bị tai biến, dần rút khỏi hoạt động nghệ thuật. Di chứng để lại nặng nề khiến tay chân ông bị co quắp, khó di chuyển, sinh hoạt. Thời gian cuối đời ông còn mắc bệnh ung thư phổi.
Những năm qua, Hội Nghệ sĩ Sân khấu TPHCM, chương trình “Nghệ sĩ tri âm” của NSND Kim Cương cũng như nhiều văn nghệ sĩ cũng thường xuyên quan tâm, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn của nghệ sĩ Vũ Đức.
Linh cữu nghệ sĩ hài Vũ Đức quàn tại 137/1/2A quốc lộ 13 (cũ), khu phố 3, Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức. Lễ động quan sẽ diễn ra vào 6g ngày 4/9, sau đó hỏa táng tại Dĩ An, Bình Dương.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ