Thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) nhận nuôi đến năm 18 tuổi tất cả trẻ thoát nạn vụ lũ quét Làng Nủ (Yên Bái).
Làng Nủ (Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai) là nơi vừa trải qua trận lũ quét kinh hoàng ngày 10.9 vừa qua. Đất đá từ dãy núi voi đổ sập xuống gần như xoá sổ cả thôn. 40 nóc nhà bị vùi lấp, khiến 52 người thiệt mạng, 14 người đang mất tích và 15 người bị thương. Hiện tại, số học sinh tử vong thống kê được sau vụ lũ quét là 13 em.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie (Hà Nội) cho hay, những ngày qua, khi theo dõi tin tức tang thương trong vụ lũ quét ở Làng Nủ, thầy không khỏi xót xa và luôn mong muốn phải làm một điều gì đó cho những đứa trẻ bỗng chốc mồ côi bố mẹ hay chỉ còn bố hoặc mẹ.
“Tôi nhận được danh sách học sinh bị thương sau lũ quét của cô Hiệu phó trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh. Danh sách ở trên bàn làm việc của tôi mấy hôm nay và cứ nhìn vào là tôi bật khóc. 13 em mất, 7 em bị thương. Tôi nghĩ chúng ta cần phải bù đắp cho các em – suy nghĩ ấy cứ thế thôi thúc tôi”, thầy Khang chia sẻ.
Ngay tại thời điểm ấy, thầy Khang nghĩ điều mình có thể làm là nhận “nuôi” tất cả các em may mắn còn sống sót, để các em được ấm no và tiếp tục được học hành để tương lai không còn “mờ mịt”.
Sau đó, thầy nhờ chính quyền và phòng giáo dục lập danh sách các cháu từ 15 tuổi trở xuống, còn sống sót sau vụ lũ quét. Thầy Khang và Trường Marie Curie quyết định sẽ nhận “nuôi” các em ăn học cho đến 18 tuổi, bằng cách cấp tiền 3 triệu đồng/em/tháng, chuyển khoản trực tiếp cho bố mẹ hoặc người đỡ đầu.
Khi chưa thể có danh sách đầy đủ, thầy quyết định hỗ trợ ngay những trường hợp đã nắm bắt được. Trong số này có em Nguyễn Văn Hành, học sinh lớp 12, Trường THPT số 1 Bảo Yên. Sau trận lũ quét qua Làng Nủ, Hành chỉ còn lại một mình trên đời. Khi biết đã mất mẹ, bơ vơ trên cõi đời, Hành đã nghĩ sẽ đi làm để kiếm sống và lo lắng về tương lai mờ mịt.
Thầy Khang kết nối được với cô Nguyễn Thị Hồng, Phó hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bảo Yên và đã nói chuyện với em Hành qua điện thoại. Hành kể cho thầy Khang nghe, con bị gãy xương quai xanh, đầu gối va đập, toàn thân xây xát… vì lũ cuốn.
Qua điện thoại, thầy Khang hỏi thăm tình hình sức khỏe, gia đình em. Khi biết Hành không còn muốn đi học nữa và sẽ đi làm để kiếm sống vì tương lai mờ mịt, thầy Khang nói: “Con hơn cháu nội út của thầy 1 tuổi. Vậy con đồng ý để thầy nhận con là cháu nội được không?”. Hành khóc nghẹn: “Dạ được ạ”.
Thầy Khang cũng cam kết sẽ “nuôi” Hành ăn học hàng tháng, mỗi tháng 3 triệu đồng. Khi nào có việc cần thêm, Hành có thể nói với “ông nội”. Đồng thời, thầy nhờ cô hiệu phó mở tài khoản ngân hàng cho Hành để hàng tháng thầy gửi tiền vào đó. Thầy cũng nhờ cô mua giúp cho Hành một chiếc điện thoại, thầy sẽ gửi lại tiền cô, để ông cháu thi thoảng nói chuyện với nhau.
Không phụ tấm lòng của “ông nội”, Hành hứa sẽ chăm chỉ học hành để tốt nghiệp THPT, còn kế hoạch tương lai ra sao sẽ báo lại ông vào cuối năm học. Thay bố mẹ, cô Hồng – Hiệu phó và cô Thủy – giáo viên chủ nhiệm cũng sẽ thay nhau chăm sóc Hành.
Thầy Khang hy vọng, không chỉ Hành, mà tất cả trẻ em may mắn sống sót sau vụ lũ quét ở Làng Nủ được bù đắp để các em tiếp tục việc học tập, tương lai sẽ không còn “mù mịt” nữa.
NGUỒN: https://laodong.vn/giao-duc/quyet-dinh-nhan-nuoi-tre-lang-nu-va-cuoc-tro-chuyen-voi-chau-noi-cua-thay-hieu-truong-1396006.ldo