(Dân trí) – “Cả hai bên đều “bật đèn xanh” là thời điểm tình dục được coi là thích hợp”, bạn Quang Anh nêu quan điểm.
Thời điểm thích hợp để làm “chuyện ấy” là một vấn đề luôn được mọi người tranh luận sôi nổi. Liệu có một chuẩn mực chung về thời điểm phù hợp để quan hệ tình dục, hay tình dục chỉ đơn giản là cảm xúc và sự chấp thuận đến từ hai phía?
Hãy cùng Dân trí tìm hiểu về vấn đề này.
Không có khái niệm “thời điểm phù hợp” trong quan hệ tình dục
Chia sẻ về vấn đề này, H.A – sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – chia sẻ: “Mình 19 tuổi và bản thân mình có tư tưởng khá thoáng về vấn đề quan hệ tình dục. Theo mình, không có khái niệm nào được gọi là phù hợp để làm “chuyện ấy” mà thời gian ở đây có lẽ tùy thuộc vào suy nghĩ, nhu cầu của mỗi người, khi họ cảm thấy tin tưởng vào đối phương và có sự chuẩn bị sẵn sàng thì là “phù hợp” để quan hệ tình dục.
Ngoài ra, cô bạn Gen Z còn cho rằng, tại một thời điểm nào đấy, việc quan hệ tình dục có thể là sớm đối với người này nhưng cũng có thể làm muộn đối với người khác. Vậy nên, khó có thể nói có một chuẩn mực chung để dành cho tất cả mọi người.
Đối với Quang Anh, du học sinh tại trường Wellington High School, có nhiều lý do tác động đến quyết định quan hệ tình dục ở giới trẻ, bao gồm cả những yếu tố nội hóa và ngoại hóa. Quang Anh không quá khắt khe về vấn đề này, đặc biệt là trong thời buổi ngày nay. Và cậu bạn Gen Z cho rằng khi nào cả hai bên đều “bật đèn xanh” thì lúc đấy tình dục được coi là “phù hợp”.
“Mình tiếp xúc với nền văn hóa phương Tây từ nhỏ, do đó mình cảm thấy vô cùng thoải mái khi nói về tình dục chứ không hề giữ một thái độ “ngại nói”, “xấu hổ” khi nhắc đến vấn đề được coi là tế nhị trong tư tưởng cố hữu của nhiều người”.
Trái ngược với quan điểm của Quang Anh, Phương Linh, sinh viên Học viện Tài chính chia sẻ: “Là một con người mang thiên hướng truyền thống, do đó việc quan hệ tình dục là một vấn khá nhạy cảm đối bản thân mình. Điều đó khiến mình luôn dè chừng khi nhắc đến vấn đề này.
Theo mình, “chuyện ấy” chỉ thực sự phù hợp khi đã có sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần. Ngoài ra, chúng ta cần phải trang bị đầy đủ những kiến thức liên quan đến tình dục an toàn, nếu không muốn phạm phải những sai lầm”.
Hay đối với cô L.A (43 tuổi), việc “sống thử”, “ăn cơm trước kẻng” hay quan hệ tình dục từ quá sớm… của giới trẻ ngày nay là một vấn đề khó có thể chấp nhận được. Theo cô, một “thời điểm phù hợp” là khi cả hai người đã kết hôn và là vợ chồng hợp pháp trên danh nghĩa.
Bạn trai đã “đòi yêu” khi mình chưa sẵn sàng
Trên diễn đàn mạng xã hội, một bạn gái Gen Z hoang mang chia sẻ lại một câu chuyện về việc bị bạn trai “đòi yêu” khi bản thân cô bạn chưa thật sự sẵn sàng.
“Mình và người yêu quen nhau được một tháng thông qua một ứng dụng hẹn hò. Lúc đầu, chúng mình nói chuyện với nhau bằng một thứ tình yêu thuần khiết. Điều đó khiến mình an tâm hơn phần nào khi bước nào mối quan hệ này. Tuy nhiên bỗng một hôm, người yêu của mình đã gửi “ảnh sex” của anh ấy với một dòng tin nhắn đầy nhạy cảm.
Điều đó khiến mình cảm thấy vô cùng sợ hãi. Sợ vì nếu mình không chấp nhận thì rất có thể mối quan hệ đó sẽ bị rạn nứt, sợ vì những định kiến áp đặt lên vấn đề tình dục của giới trẻ hiện nay. Có lẽ bản thân mình chưa sẵn sàng cho một mối quan hệ có sự ràng buộc của tình dục”.
Đối với bạn gái, một tháng là quá ít ỏi để có thể cởi mở cho đối phương về “chuyện ấy”. Khi yêu nhau cần phải có một khoảng thời gian tìm hiểu nhất định chứ không nên vội vàng để rồi đưa ra những quyết định sai lầm.
Ngoài ra, cô bạn còn chia sẻ rằng bản thân nhìn nhận tình dục chính là một thứ gia vị không thể thiếu trong tình yêu, nhưng bản thân cảm thấy chưa thật sự sẵn sàng để có thể “trao đi lần đầu” và cô bạn đã từ chối lời đề nghị của bạn trai.
“Cơ thể của tôi, lựa chọn của tôi”
“My body, my choice” (cơ thể của tôi, lựa chọn của tôi) là một trong những khẩu hiệu nữ quyền được sử dụng rộng rãi tại một số quốc gia, thường xoay quanh các vấn đề về quyền tự chủ cơ thể và vấn đề phá thai.
Những người ủng hộ nữ quyền thường bảo vệ quyền tự quyết của một cá nhân đối với cơ thể của họ và các quyền lựa chọn về tình dục, hôn nhân và sinh sản.
Với sự du nhập các hệ tư tưởng từ phương Tây, “my body, my choice” đã du nhập và tác động không nhỏ đến quan điểm của người Á Đông về vấn đề thời điểm thích hợp để làm “chuyện ấy”.
Phương Linh luôn có cái nhìn trung lập vấn đề quan hệ tình dục ở giới trẻ, không quá khắt khe nhưng cũng không phải quá cởi mở. Tuy nhiên, đối với hệ tư tưởng “my body, my choice”, cô bạn hoàn toàn phản đối.
“Chính từ những “cởi mở thái quá” đó rất dễ dẫn đến những hệ quả khó lường. Với những người ủng hộ tư tưởng “my body, my choice”, mọi người sẽ phớt lờ những lời khuyên, tư vấn về vấn đề tình dục, bởi họ nghĩ rằng cơ thể của tôi, do tôi quyết định”, Phương Linh nói.
Cả Phương Linh và Hà Thu đều nhấn mạnh rằng: “Giữa buông thả và cởi mở là một lằn ranh mong manh, đừng quy chung nó về một nghĩa, chung về một hệ tư duy. Cần phải có sự định danh rạch ròi nếu không muốn rơi vào “cái bẫy” của hệ tư tưởng “cơ thể của tôi, lựa chọn của tôi”.
Có những quan điểm trái ngược với Phương Linh, L.H.A (Sơn La) chia sẻ rằng bản thân hoàn toàn không có những định kiến về vấn đề trên. H.A nói: “Không một ai có thể quyết định được thay bạn và chỉ có bạn mới thấu hiểu được những mong muốn, nhu cầu của bản thân”.
Đồng quan điểm, C.H.A cho rằng mỗi người sẽ có một nhu cầu khác nhau và không thể quy mọi người về một mẫu số chuẩn chung. Do đó, mỗi người sẽ có quyền tự lựa chọn thời điểm để quan hệ tình dục bởi vì đó là quyền tự quyết của riêng họ. Chúng ta cần phải tôn trọng bản ngã riêng đó”.
Ngoài ra, H.A có chia sẻ thêm: “Quyền tự quyết sẽ đi kèm theo quyền tự chịu trách nhiệm. Vậy nên, cái gì quá cũng không tốt, ở mức độ nhất định nó sẽ là cởi mở, nhưng quá thì nó sẽ là buông thả”.
Hãy làm “chuyện ấy” khi cả hai đã sẵn sàng
Đối với P.L, cô bạn khá là kỹ tính trong việc “trao đi lần đầu”. Thời điểm phù hợp là khi cả hai đã sẵn sàng, đặc biệt phải là sự mở lòng đến từ phái yếu; không thúc ép, không bắt buộc mà phải là sự tự nguyện của cả hai bên. Trước khi quan hệ, giữa hai người cần có một “bản cam kết về tình dục” để tránh những hệ lụy về sau.
“Tuy nhiên, quan hệ ở độ tuổi quá sớm rất nguy hiểm. Cần phải có sự phát triển đủ cả về thể chất lẫn tinh thần và sự hiểu biết nhất định về tình dục trước khi bước vào một mối quan hệ”, P.L nói.
Ngoài ra, Hà Thu chia sẻ, trước khi quyết định quan hệ, hãy trả lời một loạt những câu hỏi, chẳng hạn như: “Bạn có an toàn khi ở bên cạnh người ấy?”, “Bạn có muốn làm “chuyện ấy” vào lúc này, thời điểm này, với người này?, “Liệu rằng bạn có đủ mạnh mẽ để đối mặt với những sự việc ngoài ý muốn xảy ra?”,…
Trả lời tất cả những câu hỏi trên giống như việc xây dựng một tuyến phòng thủ cuối cùng. “Tuyến phòng thủ” đó sẽ giúp bạn cân nhắc được liệu rằng bản thân có thật sự sẵn sàng cho “chuyện ấy” hay không?
“Nếu bạn cảm thấy thoải mái với tất cả những câu hỏi trên, thì bạn đã sẵn sàng để điều đó xảy đến. Nếu không, hãy phát tín hiệu “ét o ét” (tiếng lóng của giới trẻ, ý chỉ cần được giải cứu – PV) để cho đối phương được biết, để có những cuộc trò chuyện cởi mở giúp thấu hiểu nhau hơn”.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc quan hệ tình dục sẽ mang lại những hiệu quả nhất định cho sức khỏe, nhưng nó không phải là “thần dược” để chữa bách bệnh. Tình dục như là một viên thuốc tinh thần và là biểu tượng cho sự thân mật và gần gũi của các cặp đôi yêu nhau, do đó tình dục phải đến một cách tự nhiên và có sự đồng thuận đến từ hai giới.
Bạn nghĩ sao về vấn đề này? Hãy chia sẻ với chúng tôi phần bình luận bên dưới.